BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ TẾT TRUNG THU NĂM 2024
Tết Trung thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng Tám hằng năm. Tại Việt Nam đã trở thành ngày tết truyền thống của trẻ em, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn viên. Trẻ em Việt Nam rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân; bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày Tết này, người ta tổ chức bày cỗ và trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích.
Mỗi năm, đến ngày Trung thu, người dân Việt Nam thường làm lễ cúng trăng và cúng gia tiên. Các lễ vật được bày trong mâm cỗ gồm có hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo và rượu. Bánh nướng và bánh dẻo được nặn thành hình vuông và hình tròn tượng trưng cho đất và trời hòa hợp. Điều này khiến cho mâm cỗ trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Người dân tin tưởng gia đình sẽ được đất trời phù hộ vượt qua những tai ương, khó khăn và hưởng niềm vui phú quý.
Mặc dù cuộc sống của người dân Việt Nam đang ngày một hiện đại hóa nhưng Tết Trung thu không hề bị mài mòn và thay đổi. Bánh trung thu vẫn được giữ nguyên nét truyền thống, có thêm những loại bánh được làm theo kiểu tây hóa hay những nguyên liệu đắt tiền… nhưng khi bày trên mâm cúng của tổ tiên hay mâm cúng trăng vẫn là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống thơm ngon. Còn những món đồ chơi cho trẻ em hiện nay, có rất nhiều đồ chơi nhập ngoại, đồ điện tử đắt tiền… nhưng những chiếc đèn ông sao, đèn lång vẫn luôn là món đồ chơi hiện hữu và được yêu thích hơn bao giờ hết trong những ngày Tết Trung thu.
Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui và nỗi buồn; sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay... Cũng từ đó mà trăng tròn được xem là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên, Tết của tình thân.
Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Bố mẹ mua hoặc làm đèn lồng, đèn ông sao thắp sáng bằng dầu hoặc nến treo ở trong nhà và để các con đi rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, bánh kẹo và các loại hoa quả khác nhau. Đây là dịp để con cháu hiểu được sự săn sóc quí mến của ông bà, cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế mà tình yêu gia đình ngày càng gắn bó khăng khít thêm.
Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của sự săn sóc, báo hiếu, biết ơn; của tình thân hữu, đoàn tụ và thương yêu. Vì vậy, mọi người, mọi nhà cần phải duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này. Đây còn là dịp để gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội quan tâm chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, trẻ bị tàn tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được phát triển toàn diện trong môi trường thân thiện. Tạo nên không khí vui tươi phấn khởi, hào hứng của trẻ em trong dịp Tết Trung thu.
Kính thưa toàn thể nhân dân!
Trong những năm qua, Đảng ủy - Chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị luôn dành sự quan tâm chu đáo tới các cháu thiếu niên nhi đồng trên địa bàn toàn xã. Thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thúc đẩy phong trào toàn xã hội tham gia bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em bằng các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ các cháu mồ côi, khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, tạo điều kiện cho các cháu vươn lên trong cuộc sống và học tập, hòa nhập cộng đồng. Các đơn vị thôn, các trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, vui chơi giải trí, rước đèn trong dịp Tết Trung thu, tạo điều kiện cho các cháu đón Tết Trung thu vui vẻ, đoàn kết và bổ ích.
Tết Trung thu năm nay của các em có sự khác biệt so với những năm trước, đó là đồng bào ta, các em thiếu niên, nhi đồng ở các tỉnh miền Bắc nước ta đang phải hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của cơn bão số 3 (cơn bão Yagi). Biết bao ngôi nhà bị sập đổ, cơ cở vật chất, các cơ quan trường học, trạm y tế bị tan hoang. Số người chết và mất tích theo thống kê đến thời điểm hiện tại đã lên đến con số 353 người, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng gần 40.000 tỷ đồng. Cảnh vợ mất chồng, con cái mất cha mẹ, có biết bao trẻ em phải chịu cảnh mồ côi…
Vì vậy, việc tổ chức Tết trung thu năm nay PGD&ĐT Huyện Gia Lộc đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức Tết Trung thu đơn giản, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, thực chất, không phô trương hình thức, phù hợp với tình hình cả nước đang chung tay, góp sức cùng đồng bào các tỉnh phía Bắc và trong tỉnh khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra. Ưu tiên tặng quà Trung thu đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; vận động sự chia sẻ, quyên góp, ủng hộ của trẻ em, gia đình và cộng đồng nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” để kịp thời hỗ trợ, động viên trẻ em ở vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 được sớm trở lại trường học và ổn định cuộc sống. Chúng ta hãy cùng hướng về đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai với tất cả tình yêu thương./.
Người thực hiện: Trần Thị Loan