BỆNH CÚM A Ở TRẺ VÀ NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN LƯU Ý
Cúm A có thể lây lan nhanh chóng. Một số ca bệnh có thể tiến triển nặng, gây suy đa tạng và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trẻ em là một trong những đối tượng dễ mắc cúm A và có thể gặp nhiều biến chứng từ bệnh. Vì vậy, cúm A ở trẻ có những triệu chứng như thế nào và cách phòng tránh ra sao là điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng nên tìm hiểu, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng và hậu quả có thể xảy đến với con mình.
1. Mức độ nguy hiểm của cúm A ở trẻ
- Không ít người vẫn băn khoăn rằng trẻ bị cúm A có nguy hiểm không? Để lý giải cho điều này, hãy cùng tìm hiểu đôi nét cơ bản về bệnh.
Đây là bệnh gây ra bởi virus cúm A Influenza A virus có hình cầu hoặc dạng sợi với đặc điểm rất dễ thích nghi và phát triển trong những môi trường khác nhau.
- Cúm A có thể chia thành nhiều phân nhóm, trên cơ sở của sự kết hợp kháng nguyên Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N) tại vỏ của virus, thường gặp là H1N1, H5N1, H3N2 hoặc H7N9.
- Theo những nghiên cứu do Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế công bố thì thời gian tồn tại của virus cúm A ở trên bàn tay là khoảng 5 phút và lâu hơn trên các bề mặt khác như: 8 tới 12 giờ trên quần áo, 48 giờ trên mặt bàn ghế hay tay nắm cửa. Đặc biệt, ở môi trường nước, thời gian tồn tại của chúng từ vài ngày đến vài chục ngày với điều kiện lý tưởng là nhiệt độ thấp hoặc mưa dầm.
- Con đường lây lan của virus bao gồm: theo giọt bắn trong cơ thể người bệnh văng ra khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi hay bám vào đồ vật, rồi tấn công vào cơ thể người lành gián tiếp qua tay, cũng có thể lây từ động vật sang cho người.
- Cùng với diễn biến nhanh và biến đổi không ngừng, chúng rất dễ dàng lây lan khiến bùng phát thành đại dịch.
- Khác với các loại cúm thông thường, cúm A có thể gây ra rất nhiều biến chứng đe dọa tính mạng con người. Trẻ em với sức đề kháng, miễn dịch vốn còn rất non yếu là một trong những đối tượng có tỷ lệ mắc, nguy cơ bệnh chuyển biến xấu cũng như tử vong cao.
- Trong khi đó, một số biểu hiện của bệnh, nhất là giai đoạn đầu lại mang đặc trưng của cúm thông thường dẫn đến việc không ít cha mẹ bị nhầm lẫn và chủ quan.
2. Triệu chứng cúm A ở trẻ
- Cúm A ở trẻ là một trong những bệnh thuộc về đường hô hấp song cũng như đặc tính chung của cúm, triệu chứng có thể xảy ra trên toàn bộ cơ thể:
- Đối với đường hô hấp: điển hình là nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, họng sưng, đau họng, ho.
- Trên cơ thể: đau đầu, đau tai, đau mỏi người, chán ăn, có thể cả buồn nôn và đau bụng.
- Đối với những trường hợp nhẹ, bệnh có thể kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày và được khắc phục dần qua điều trị theo triệu chứng. Tuy nhiên, không ít trường hợp bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, cụ thể:
- Ho kéo dài, thành từng đợt, đờm ra có lẫn máu.
- Sốt cao li bì có thể dẫn tới mất nước, co giật.
- Trẻ mệt mỏi, ngại ăn, ngại bú, tay chân lạnh.
Không ít trẻ phải cấp cứu vì sốt li bì hoặc co giật do cúm A
Do sức đề kháng kém, trẻ còn có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm hơn mà nếu không được điều trị đúng, kịp thời có nguy cơ tử vong:
- Viêm phổi, viêm phế quản dẫn tới khó thở rồi suy hô hấp hoặc hen suyễn.
- Tức ngực và một số vấn đề tim mạch, chẳng hạn viêm cơ tim…
- Đau bụng, tiêu chảy.
- Choáng váng, chóng mặt.
- Viêm tai, nhiễm trùng tai.
- Nhiễm khuẩn.
- Ở một số đối tượng trẻ, tỷ lệ bệnh diễn tiến phức tạp và gây biến chứng cao hơn, bao gồm:
- Các bé dưới 5 tuổi mà nguy cơ cao nhất là đối tượng dưới 2 tuổi.
- Những trẻ chưa được thực hiện việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.
- Trẻ sống trong môi trường thường xuyên tập trung đông người, người đang mang bệnh hoặc vùng có dịch.
- Trẻ không được chú trọng việc đảm bảo vệ sinh cá nhân.
3. Điều trị cúm A ở trẻ như thế nào?
- Hiện nay, do chưa có thuốc đặc trị nên việc điều trị cúm A ở trẻ chủ yếu là khắc phục triệu chứng. Đối với những trẻ bệnh nhẹ, cha mẹ có thể tự chăm sóc con tại nhà theo tư vấn của bác sĩ:
- Thực hiện cho trẻ cách ly ở phòng riêng kể từ khi xuất hiện triệu chứng tối thiểu 7 ngày, kể cả khi đã khỏi bệnh, nên cách ly thêm 1 ngày nữa.
- Cung cấp đồ ăn uống cho con theo tiêu chí: lỏng, mềm, ấm, đủ chất, dễ tiêu, chú trọng nước, rau xanh.
- Giữ nơi ở thoáng khí, sạch sẽ. Nếu không bố trí được phòng vệ sinh riêng, nhắc nhở con đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
- Dùng xà phòng, nước sát khuẩn để rửa tay chân thường xuyên.
- Chỉ dùng thuốc ho hoặc hạ sốt thông thường theo hướng dẫn, không tự ý dùng thuốc kháng virus hoặc kháng sinh. Tự ý cho con uống thuốc là thói quen cần xóa bỏ.Đối với những trẻ bệnh có dấu hiệu chuyển biến nặng, nên đưa ngay tới cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị đúng cách.
4. Phòng ngừa cúm A ở trẻ hiệu quả
- Ngoài việc luôn giữ vệ sinh cơ thể, nơi ở, bổ sung dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho con, trong những thời điểm đang có dịch hoặc dễ phát sinh dịch, cha mẹ nên hạn chế đưa con tới nơi công cộng, đảm bảo đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, không để bé tiếp xúc với đối tượng đang mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh.
- Bản thân cha mẹ và người lớn ở gần cũng cần tăng cường ý thức phòng ngừa, tránh mang bệnh về cho trẻ.Tiêm vắc xin cúm một lần mỗi năm vẫn được xem là cách phòng ngừa mang lại hiệu quả cao. Cùng với đó, nếu con bạn bị nghi ngờ mắc bệnh, có thể đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán kịp thời.
NGƯỜI THỰC HIỆN
Nguyễn Thị Quỳnh